1. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tại Điều 37 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định như sau:
1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm:
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Nghị định này;
b) Công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 38, Điều 39 Nghị định này ra quyết định xử phạt.
2. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
Tại Điều 38 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;
b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
3. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra
Tại Điều 39 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định như sau:
1. Chánh Thanh tra sở, các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:
a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền:
a) Phạt tiền đến 140.000.000 đồng;
b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
3. Chánh Thanh tra bộ có quyền:
a) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;
b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.