Mục lục chính
1. MUA SẮM TẬP TRUNG
1.1 Quy định chung về mua sắm tập trung
Căn cứ theo Điều 44 Luật đấu thầu 2013 quy định như sau:
1. Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
2. Mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.
3. Mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách sau đây:
a) Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
b) Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
4. Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng ký với các đơn vị có nhu cầu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1.2 Thỏa thuận chung
Căn cứ theo Điều 45 Luật đấu thầu 2013 quy định như sau:
1. Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là thỏa thuận dài hạn giữa đơn vị mua sắm tập trung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn và điều kiện để làm cơ sở cho việc mua sắm theo từng hợp đồng cụ thể.
2. Thời hạn cho việc sử dụng thỏa thuận khung được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không quá 03 năm.
Xem thêm: Quy định về xét duyệt trúng thầu
2. MUA SẮM THƯỜNG XUYÊN
2.1 Điều kiện áp dụng
Căn cứ theo Điều 46 Luật đấu thầu 2013 quy định như sau:
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng mua sắm thường xuyên đối với hàng hóa, dịch vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên;
2. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mua sắm thường xuyên để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2.2 Tổ chức lựa chọn nhà thầu
Căn cứ theo Điều 47 Luật đấu thầu 2013 quy định như sau:
1. Việc lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên được thực hiện theo quy định tại các điều 38, 39, 40, 41, 42 và 43 của Luật này.
2. Chính phủ quy định chi tiết về mua sắm thường xuyên.