Quy định về quản lý, thanh toán vốn cho dự án đầu tư công tại nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Mục lục chính

1.   Kiểm tra phân bổ vốn hàng năm

Tại Điều 18 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Nội dung phân bổ và việc kiểm tra phân bổ vốn cho các dự án đầu tư công tại nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 8 Nghị định này và theo Mẫu số 01.nn/PB (đối với phân bổ vốn), Mẫu số 02.nn/PB (đối với điều chỉnh phân bổ vốn).

2. Cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư công tại nước ngoài là Kho bạc Nhà nước.

3. Cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính các cấp, cơ quan kiểm soát, thanh toán có trách nhiệm nhập và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm trên Tabmis theo quy định hiện hành.

IMG dt.2
Quy định về quản lý, thanh toán vốn cho dự án đầu tư công tại nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước

 

Xem thêm: Quy định về quản lý, thanh toán vốn cho dự án đầu tư công đặc thù sử dụng vốn ngân sách nhà nước

 

2.   Hồ sơ pháp lý của nhiệm vụ, dự án

Tại Điều 19 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Cơ quan chủ quản gửi lần đầu khi giao dịch với cơ quan kiểm soát, thanh toán nơi giao dịch hoặc khi có phát sinh, điều chỉnh, bổ sung. Cụ thể:

1. Đối với nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

2. Đối với thực hiện dự án:

a) Đối với dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng: thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

b) Đối với dự án mua nhà, đất để làm trụ sở và nhà ở, hồ sơ bao gồm:

– Kế hoạch đầu tư công hàng năm được cấp có thẩm quyền giao;

– Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có);

– Bản thỏa thuận nguyên tắc về việc mua bán nhà, đất làm căn cứ thanh toán tiền đặt cọc (nếu có);

– Hợp đồng mua bán nhà, đất;

– Giấy bảo lãnh tiền đặt cọc (trường hợp trong hợp đồng có quy định phải đặt cọc).

c) Đối với dự án gồm cả mua nhà, đất và xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng: hồ sơ bao gồm các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này.

d) Đối với dự án đầu tư thuê nhà, đất dài hạn (trên 30 năm) để thực hiện đầu tư xây dựng:

– Kế hoạch đầu tư công hàng năm được cấp có thẩm quyền giao;

– Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (hoặc quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật) của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có);

– Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc thuê nhà, đất làm căn cứ thanh toán tiền đặt cọc (nếu có);

– Hợp đồng thuê nhà, đất;

– Giấy bảo lãnh tiền đặt cọc (trường hợp trong hợp đồng có quy định phải đặt cọc);

– Quyết định hoặc văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu. Văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép tự thực hiện đối với trường hợp tự thực hiện và chưa có trong quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền;

– Hợp đồng, bảo đảm thực hiện hợp đồng (đối với trường hợp hợp đồng quy định hiệu lực của hợp đồng bắt đầu từ khi nhà thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng), phụ lục bổ sung hợp đồng trong trường hợp thay đổi các nội dung của hợp đồng (nếu có), thỏa thuận liên doanh, liên danh (trường hợp hợp đồng liên doanh, liên danh mà các thỏa thuận liên doanh, liên danh không quy định trong hợp đồng); văn bản giao việc hoặc hợp đồng giao khoán nội bộ đối với trường hợp tự thực hiện;

– Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền đối với từng công việc, hạng mục công trình, công trình đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng (trừ dự án chỉ lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật).

3.   Tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng

Tại Điều 20 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng cho các dự án đầu tư công tại nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

a) Trường hợp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại và có các quy định khác với quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng thì thực hiện theo hợp đồng đã ký.

b) Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần tạm ứng ở mức cao hơn mức quy định, cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện tạm ứng theo đề nghị của cơ quan chủ quản nhưng không vượt vốn kế hoạch được giao trong năm của dự án.

c) Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần tạm ứng khi chưa có đủ chứng từ tạm ứng theo quy định tại Nghị định này (theo quy định của nước sở tại), cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Tài chính để xem xét, xử lý cụ thể.

2. Hồ sơ tạm ứng:

a) Văn bản đề nghị tạm ứng vốn cho từng nội dung công việc của cơ quan chủ quản (ghi rõ số tiền, tài khoản, đơn vị thụ hưởng);

b) Giấy đề nghị thanh toán vốn (Mẫu số 04b.nn/TT).

4.   Thanh toán khối lượng hoàn thành

Tại Điều 21 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Đối với các công việc được thực hiện thông qua hợp đồng xây dựng, việc thanh toán hợp đồng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng. Số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán phải được quy định rõ trong hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng theo quy định hiện hành.

Trường hợp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại và có các quy định khác với quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì việc thanh toán được thực hiện theo hợp đồng đã ký.

2. Khi có nhu cầu thanh toán vốn, chủ đầu tư gửi cơ quan chủ quản các tài liệu sau (theo từng lần thanh toán):

a) Đối với dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng: Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng (Mẫu số 03.a/TT hoặc theo mẫu xác định khối lượng được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài), Giấy đề nghị thanh toán vốn (Mẫu số 04a.nn/TT), Giấy đề nghị thu hồi vốn tạm ứng (đối với trường hợp thu hồi tạm ứng, Mẫu số 04.b/TT), Bảng xác định giá trị khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng trong trường hợp có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng (Mẫu số 03.c/TT hoặc theo mẫu xác định khối lượng được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài).

b) Đối với dự án mua nhà, đất hoặc thuê nhà, đất dài hạn (trên 30 năm): việc thanh toán (bao gồm cả thanh toán tiền đặt cọc, nếu có) được thực hiện theo hợp đồng mua bán, thuê nhà, đất, chủ đầu tư gửi cơ quan chủ quản giấy đề nghị thanh toán vốn (Mẫu số 04a.nn/TT).

c) Đối với dự án hỗn hợp gồm cả mua nhà, đất và xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng: các tài liệu được quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này.

3. Hồ sơ thanh toán:

Trên cơ sở các tài liệu được chủ đầu tư gửi tại khoản 2 Điều này, cơ quan chủ quản lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán gồm:

a) Giấy đề nghị thanh toán vốn (ghi rõ số tiền, tài khoản, đơn vị thụ hưởng) của cơ quan chủ quản cho từng nội dung công việc (Mẫu số 04b.nn/TT), Giấy đề nghị thu hồi vốn tạm ứng (đối với trường hợp thu hồi tạm ứng, Mẫu số 04.b/TT).

b) Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành (Mẫu số 03.a/TT hoặc theo mẫu xác định khối lượng được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài) đối với dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, Bảng xác định giá trị khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng trong trường hợp có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng (Mẫu số 03.c/TT hoặc theo mẫu xác định khối lượng được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài).

c) Giấy rút vốn (Mẫu số 05/TT) trong trường hợp cơ quan chủ quản cần thanh toán bằng Đồng Việt Nam.

d) Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ (Mẫu số 07/TT) trong trường hợp cơ quan chủ quản cần thanh toán bằng ngoại tệ.

đ) Chứng từ chuyển tiền khác (nếu có).

4. Kiểm soát, thanh toán tại cơ quan kiểm soát, thanh toán:

Tối đa 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán của cơ quan chủ quản theo quy định tại Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Nghị định này, căn cứ vốn kế hoạch đã được giao hàng năm của dự án, cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án. Tổng số vốn tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành trong năm không vượt vốn kế hoạch được bố trí trong năm cho dự án. Đối với các khoản tạm ứng vốn hoặc thực hiện thanh toán theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” thì thời hạn kiểm soát, thanh toán trong 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.

5. Thanh toán bằng ngoại tệ:

Trường hợp chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu hoặc người bán, cho thuê nhà, đất bằng ngoại tệ thực hiện như sau:

a) Thanh toán ngoại tệ từ quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước:

– Trên cơ sở kế hoạch vốn và nhu cầu chi ngoại tệ trong năm của dự án, cơ quan chủ quản lập bảng tổng hợp phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trong năm bằng Đồng Việt Nam có quy đổi ra Đô-la Mỹ theo tỷ giá do Bộ Tài chính quy định tại thời điểm giao kế hoạch được cơ quan chủ quản lập trên cơ sở nhu cầu chi ngoại tệ trong năm của các dự án thuộc phạm vi quản lý và không được vượt vốn kế hoạch được giao trong năm gửi Bộ Tài chính và cơ quan kiểm soát, thanh toán (Mẫu số 01.nn/PB).

– Trường hợp cần thanh toán bằng ngoại tệ, cơ quan chủ quản lập Giấy rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ (Mẫu số 07/TT) gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán.

– Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được sử dụng quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để thanh toán vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua thông báo của Bộ Ngoại giao. Khi cần chi ngoại tệ tại quỹ này, lập 02 liên Giấy rút vốn kiêm ghi thu ngân sách nhà nước (Mẫu số 06/TT) gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán.

b) Thanh toán bằng ngoại tệ không từ quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước: cơ quan chủ quản (hoặc chủ đầu tư) sử dụng số tiền đã được cơ quan kiểm soát, thanh toán tạm ứng, thanh toán để mua ngoại tệ từ ngân hàng để thanh toán cho đơn vị thụ hưởng. Cơ quan kiểm soát, thanh toán làm thủ tục tạm ứng, thanh toán, chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng thương mại mà cơ quan chủ quản đã ký hợp đồng với ngân hàng thương mại để mua ngoại tệ.

c) Cơ quan kiểm soát, thanh toán cấp ngoại tệ theo đề nghị của cơ quan chủ quản. Cụ thể:

– Trường hợp chi từ quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước: Cơ quan kiểm soát, thanh toán căn cứ vào phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm bằng Đồng Việt Nam có quy đổi ra Đô-la Mỹ do cơ quan chủ quản gửi đầu năm và Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ của cơ quan chủ quản theo quy định tại Nghị định này, xuất quỹ ngoại tệ tập trung để thanh toán.

– Trường hợp sử dụng quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài: Cơ quan kiểm soát, thanh toán căn cứ vào phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm bằng Đồng Việt Nam có quy ra Đô-la Mỹ do cơ quan chủ quản gửi đầu năm và các liên chứng từ mà Bộ Ngoại giao đã gửi theo quy định tại Nghị định này, thực hiện kiểm tra các yếu tố, ký trên các liên chứng từ và sử dụng liên số 1 “Giấy rút vốn kiêm ghi thu ngân sách nhà nước” để ghi thu ngân sách “Tiền lệ phí lãnh sự hoặc các khoản thu khác ở nước ngoài” và hạch toán ghi chi cho Bộ Ngoại giao (tương ứng với chương, khoản, mục, tiểu mục của Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước hiện hành), liên còn lại gửi Bộ Ngoại giao để thực hiện hạch toán và thông báo cho Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài trích quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để sử dụng.