Xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp nhà nước

IMG dt.24

1.   Vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội

Theo Điều 60 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký;

b) Sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ được huy động;

c) Không gửi cam kết, thông báo hoặc gửi cam kết, thông báo không đúng thời hạn tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi có sự thay đổi nội dung, chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;

d) Không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung đủ vốn để tái đầu tư thực hiện mục tiêu đã đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc hoàn trả các khoản tài trợ được sử dụng không đúng mục đích đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Buộc gửi cam kết, thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định trong trường hợp không gửi cam kết, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

d) Buộc thực hiện mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

IMG dt.24
Xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp nhà nước

 

Xem thêm: Xử lý vi phạm về thành lập và giải thể doanh nghiệp

 

2.   Vi phạm về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước

Theo Điều 61 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin theo quy định;

b) Có nhiều hơn 01 người đại diện theo pháp luật nhưng không thông báo với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hoặc không công khai trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;

c) Thực hiện công bố thông tin qua người được ủy quyền công bố thông tin nhưng không gửi thông báo ủy quyền tới cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

d) Tạm hoãn công bố thông tin nhưng không báo cáo lý do của việc tạm hoãn hoặc không gửi thông báo đề nghị tạm hoãn công bố thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không lập trang thông tin điện tử của doanh nghiệp theo quy định;

b) Không xây dựng Quy chế công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định;

c) Không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp các thông tin công bố định kỳ và bất thường theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện công bố thông tin trong trường hợp không công bố hoặc bổ sung, sửa đổi nội dung thông tin đã công bố đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc báo cáo, thông báo thông tin theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này;

c) Buộc lập trang thông tin điện tử của doanh nghiệp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

d) Buộc xây dựng Quy chế công bố thông tin theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

đ) Buộc công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.