Quy định về nội dung phương án tài chính của dự án PPP

quy dinh ve noi dung phuong an tai chinh cua du an PPP

1.   Nguyên tắc xây dựng phương án tài chính dự án PPP

Tại Điều 10 Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định như sau:

1. Toàn bộ chi phí và nguồn thu hợp pháp theo quy định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện và vận hành của dự án PPP phải được phản ánh đầy đủ trong phương án tài chính của dự án PPP bằng Đồng Việt Nam.

2. Các chỉ tiêu tài chính của dự án PPP quy định tại Khoản 8 Điều 11 Thông tư này được tính toán căn cứ trên các dòng tiền được chiết khấu theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền của các nguồn vốn dự kiến huy động.

3. Đối với dự án PPP thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL), hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT) có sử dụng từ nguồn chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công để thanh toán cho nhà đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc sau:

a) Đối với nguồn chi thường xuyên thanh toán cho nhà đầu tư phải phù hợp với khả năng cân đối dự toán chi thường xuyên hằng năm của ngân sách nhà nước cho bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện dự án PPP; không sử dụng để thanh toán chi phí đầu tư trong giai đoạn thực hiện (đầu tư) dự án PPP.

b) Đối với nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công thanh toán cho nhà đầu tư phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ công. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được sử dụng nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (nếu có) để thanh toán chi phí đầu tư trong giai đoạn thực hiện (đầu tư) dự án PPP

quy dinh ve noi dung phuong an tai chinh cua du an PPP
Quy định về nội dung phương án tài chính của dự án PPP

 

Xem thêm: Quy định về việc xác định giá trị tài sản công tham gia trong dự án PPP

 

2.   Nội dung phương án tài chính

Tại Điều 11 Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định như sau:

1. Tổng vốn đầu tư;

2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

a) Nguồn vốn góp của Nhà nước (bao gồm vốn đầu tư công hoặc tài sản công của nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư công) để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi cho dự án; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP;

b) Nguồn vốn chủ sở hữu;

c) Nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.

3. Phương án huy động vốn:

a) Nguồn vốn góp của Nhà nước hỗ trợ (nếu có) và vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có) theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP:

– Tổng số vốn;

– Nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn từ tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công (nếu có);

– Nội dung hỗ trợ;

– Tiến độ giải ngân của nguồn vốn đầu tư công, thời điểm góp vốn bằng tài sản công.

b) Nguồn vốn chủ sở hữu:

– Tổng số vốn;

– Tiến độ giải ngân.

c) Nguồn vốn huy động (vốn vay thương mại, vốn tín dụng ưu đãi, vốn vay ngoài nước, các nguồn vốn khác):

– Tổng mức vốn huy động (theo từng loại vốn);

– Thời gian vay, trả, thời gian ân hạn (theo từng loại vốn);

– Chi phí huy động vốn bao gồm: lãi suất vốn vay của từng nguồn vốn, mức lãi vay bình quân và chi phí cần thiết liên quan đến huy động nguồn vốn được pháp luật cho phép (chi phí bảo lãnh, phí cam kết, bảo hiểm tín dụng, môi giới);

– Đồng tiền vay và tỷ giá thanh toán;

– Điều kiện đảm bảo nguồn vốn huy động;

– Tiến độ giải ngân (theo từng loại vốn);

– Phương án trả nợ vốn huy động (theo từng loại vốn).

4. Các đề xuất ưu đãi đảm bảo phương án tài chính của dự án (nếu có).

5. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

6. Dự kiến các khoản chi phí của dự án trong thời gian vận hành.

7. Phương án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư:

a) Dự kiến các nguồn thu hợp pháp;

b) Dự kiến các mức giá, phí dịch vụ;

c) Doanh thu dự kiến của từng nguồn thu hợp pháp;

d) Thời gian thực hiện, vận hành, thu hồi vốn và lợi nhuận của dự án PPP;

đ) Đối với dự án PPP thực hiện theo hình thức hợp đồng BTL, hợp đồng BLT phải dự kiến phương án Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư theo từng năm và chi tiết theo từng nguồn vốn:

– Nguồn vốn đầu tư công;

– Nguồn chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công;

– Nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công (bao gồm đánh giá tình hình thực hiện hai năm trước liền kề tại thời điểm lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi).

e) Đối với dự án PPP thực hiện theo hình thức hợp đồng BT phải dự kiến quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng quyền cho nhà đầu tư BT theo quy định của Chính phủ về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

8. Chỉ tiêu đánh giá tính khả thi của phương án tài chính:

a) Cấp có thẩm quyền quyết định lựa chọn dự án đầu tư trên cơ sở các chỉ tiêu sau:

– Giá trị hiện tại ròng (NPV);

– Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR);

– Tỷ suất lợi ích – chi phí (B/C);

– Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE);

– Thời gian hợp đồng dự án;

– Độ nhạy của các chỉ tiêu tài chính (nêu trên) do thay đổi tổng vốn đầu tư, chi phí vận hành, doanh thu, thời gian hợp đồng dự án.

b) Căn cứ vào tính chất đặc thù, cơ quan quản lý Nhà nước được quy định thêm các chỉ tiêu tài chính khác như: tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, tỷ số khả năng trả nợ, tỷ suất chuyển đổi nhanh tài sản, tỷ lệ khả năng thanh toán, các biện pháp bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật hiện hành để lựa chọn dự án đầu tư có hiệu quả.